Donald Trump và 5 cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới (P4)
Một trong những cam kết nổi tiếng của Donald Trump khi đắc cử là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trên thực tế, những động thái của vị tổng thống thứ 45 có thể hiện đúng điều này hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, cùng Tony Xin chào tìm hiểu về cuộc chiến thứ 4 của Donald Trump – Duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ qua loạt bài phân tích của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Tuấn, bạn nhé!
Chiến lược duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ
Giống như nhiều quốc gia khác, để củng cố và duy trì vị thế lãnh đạo của mình, Mỹ cũng đề cao và thực hiện hai chiến lược: Một là củng cố sức mạnh nội tại của quốc gia. Hai là đưa ra những chế tài ngăn chặn bước tiến và tạo khoảng cách với đối thủ.
Kể từ khi lập quốc, Mỹ luôn theo chủ hướng bành trướng và không ngừng vươn lên. Từ một quốc gia là thuộc địa của Anh với hơn 13 bang ban đầu, Mỹ nay đã trở thành một nhà nước liên bang hợp chủng quốc hùng mạnh nhất thế giới. Mặt khác, Mỹ cũng là một quốc gia không khoan nhường với bất cứ đối thủ nào đe dọa vị trí số một trên trường quốc tế.
Nước Mỹ – cường quốc sau thế chiến II
5 năm sau Thế chiến thứ II, Mỹ vẫn luôn duy trì vị thế đặc biệt của mình. GDP của Mỹ luôn chiếm hơn 50% tỷ trọng GDP toàn cầu. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới chế tạo và sở hữu vũ khí hủy diệt – bom nguyên tử. Bên cạnh đó, với sự phát triển ổn định, đồng USD dần “hất cẳng” bảng Anh, trở thành đồng tiền chủ chốt của thế giới. Với vị thế “ông chủ” thế giới, Mỹ dễ dàng “vẽ” lại trật tự của các cường quốc phương Tây và phần nào đó trật tự của thế giới.
- Kiểm soát quân sự: Mỹ đã lập ra khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
- Lĩnh vực thương mại: Mỹ lập ra Hiệp định Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau này.
- Lĩnh vực tài chính: Mỹ là “ông trùm” trong việc đưa ra các thiết chế tài chính có ảnh hưởng.
Những hậu quả không mấy nhẹ nhàng mà kẻ đối đầu với Mỹ nhận được
Sau thế chiến II, hệ thống “luật chơi” do Mỹ vận hành tương đối hiệu quả. Điều này giúp Mỹ bất khả chiến bại trước Liên Xô – đối thủ “dám” đương đầu về chiến lược quân sự, kinh tế. Cuộc chiến này không chỉ khiến Liên Xô suy yếu mà còn khiến cả hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ.
Không chỉ với Liên Xô, Mỹ cũng từng khiến Nhật Bản – con rồng châu Á lao đao. Mỹ xây dựng Thỏa ước Plaza nhắm vào Nhật Bản. Theo đó, Thỏa ước Plaza buộc Nhật Bản phải tăng giá đồng Yên so với đồng USD và các ngoại tệ chủ chốt khác trên thế giới. Hệ quả khiến Nhật Bản không thể sử dụng chiến thuật giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh nhờ hậu thuẫn của chính phủ để đánh bại công ty của Mỹ.
Mặt khác, sự tăng giá của đồng Yên đã khiến cơn sốt ‘bong bóng” bất động sản tại Nhật bể vỡ. Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào trạng thái suy yếu và trì trệ. Từ đó đến nay Nhật Bản đã rút lui khỏi cuộc chơi bá chủ toàn cầu về kinh tế với Mỹ.
Mỹ nhận “trái đắng” vì ngạo mạn chiến thắng
Thế nhưng, sau khi hạ bệ Liên Xô, Mỹ lại rơi vào tình trạng “ngạo mạn” của kẻ chiến thắng khi đã loại bỏ đối thủ tầm cỡ. Tiếp đó là các sai lầm nối tiếp nhau. Với tiềm lực của mình, Mỹ sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn tiến hành cùng lúc cuộc chiến chống khủng bố hao người tốn của và không lối thoát sau vụ khủng bố 11/09/2001.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc
Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục “ngạo mạn” thì Trung Quốc đã âm thầm thực hiện chiến lược cải cách mở cửa, ngoại giao về kinh tế. Thêm vào đó là phát triển nội lực tổng hợp quốc gia. Đặc biệt, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã khôn ngoan khi xây dựng chiến lược hòa hoãn, không đối đầu với Mỹ khi không cần thiết. Nhờ chiến lược đúng đắn và cách làm bài bản, Trung Quốc đã lớn mạnh vượt bậc chỉ trong thời gian rất ngắn. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo dự báo của WB và IMF, nếu như tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì như hiện tại thì chỉ đến năm 2025 hoặc 2030, Trung Quốc sẽ vươn lên “thế chỗ” Mỹ, trở thành siêu cường quốc lớn nhất thế giới.
Trung Quốc công khai tham vọng bá chủ thế giới
Sau nỗ lực cải cách, Trung Quốc dần “chuyển mình”, không còn áp dụng chiến lược hòa hoãn. Thay vào đó, quốc gia này “nuôi” tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc đồng thời lên kế hoạch về chiến lược Vành đai con đường (BRI) nhằm xây dựng một sân chơi riêng.
Cùng với chiến lược BRI và sự “học hỏi” từ lịch sử nước Mỹ, Trung Quốc liên tiếp thành lập các tổ chức tiền tệ, ngân hàng. Đồng thời đẩy mạnh củng cố vai trò của các tổ chức hợp tác với nhiều quốc gia khác.
Những động thái, bước tiến vượt bậc của Trung Quốc không khác nào điều “sỉ nhục” với Trump cũng như bất kỳ chính quyền nào của Mỹ trước đó.
Donald Trump và chiến lược đối đầu trực tiếp với Trung Quốc
Trong khi các cựu tổng thống khác né tránh hoặc không có chiến lược rõ ràng đối phó với Trung Quốc thì chiến lược của Trump lại hết sức rõ ràng. Chiến lược này thực hiện với hai bước song song. Trước hết là đối đầu trực diện, tìm cách làm suy yếu đối phương về mọi mặt. Đồng thời “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua việc thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ là số một”.
Thực chất, chiến lược này tạo ra khoảng cách an toàn giữa Mỹ và đối thủ ngay sát vách, khiến đối đủ không đủ sức mạnh hoặc khả năng để tranh chấp vị thế số một của Mỹ. Đối với chính quyền Trump, mối đe dọa vị thế của Mỹ hiện nay là Trung Quốc. Nội dung này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố đầu năm 2018.
Xung đột thương mại Mỹ – Trung
Theo các chuyên gia, nếu đặt mối quan hệ Mỹ – Trung trong bối cảnh xung đột về thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”. Đằng sau đó là những “câu chuyện lớn” với sự cạnh tranh ngầm về chiến lược phát triển, sự đối đầu trực tiếp trên mọi phương diện.
Donald Trump chọn tuyên chiến thương mại vào thời điểm này bởi đây là thời điểm nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong 2 thập niên vừa qua. Điều này được thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng, thương hiệu doanh nghiệp, sự tăng trưởng và ổn định của thị trường chứng khoản, v.v. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại sau giai đoạn phát triển “quá nóng” theo chiều rộng.
Ngoài ra, lĩnh vực thương mại được coi là lĩnh vực dễ gây “tổn thương” nhất cho Trung Quốc. Yếu điểm này là do sự chênh lệch cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ quyết chặt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc
Theo các nhà phân tích, mục tiêu cuối cùng Donald Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa Trung Quốc. Chủ động ngăn chặn việc đi tắt, đón đầu những thành tựu khoa học công nghệ thế giới, buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo đúng “ý đồ” của Mỹ.
Nếu mũi tên này trúng đích, Trung Quốc có thể đi vào vết xe đổ của Nhật Bản 30 năm trước. Đây là lý do mà các nhà cầm quyền Trung Quốc không thể chấp nhận các cuộc đàm phán song phương Mỹ – Trung để giải tỏa thương chiến giữa hai quốc gia này.
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Sau khi nhậm chức, để thực hiện cam kết này chính quyền Trump đã đưa ra một số đối sách. Tuy nhiên, về cách tiếp cận, chính sách kinh tế này không mấy khác biệt so với cựu tổng thống Ronald Reagan 40 năm trước.
Chính sách của Donald Trump và những thành quả đã đạt được
Về kinh tế, Donald Trump thực hiện một loạt biện pháp chính như:
- Giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Giảm mức thuế thu nhập cá nhân. Đặt ra mục tiêu tổng số thuế cắt giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thời gian từ 2018-2025.
- Gỡ bỏ hầu hết các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời ra quyết định rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương. Chính quyền Trump hướng đến các cuộc đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương. Đặc biệt, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng” giữa các quốc gia, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ.
- Gây sức ép bằng hình thức thuế quan lên các doanh nghiệp. Mục tiêu là để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc xây dựng nhà máy trên đất Mỹ.
Những thành quả ban đầu
Các chính sách của Trump phần nào đã mang lại những hiệu quả cho nền kinh tế Mỹ, bằng chứng là những con số trong số liệu thống kê sau:
- Tỷ lệ thất nghiệp giảm: tính đến đầu tháng 10/2018 tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,7%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.
- Kinh tế tăng trưởng vượt trội: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 2,3%, cao hơn rất nhiều so với 1,5% vào năm 2016 trước đó. Quý II năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,2%.
- Thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định: Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.
Về an ninh – quốc phòng, Trump đầu tư ngân sách để củng cố lĩnh vực này. Trong đó, năm 2018 và 2019 lần lượt là 640 tỷ và 716 tỷ USD, cao gấp khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Mặt khác, Trump cũng gây sức ép, buộc các đồng minh chủ chốt tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng.
Chính sách quân sự “thân” Nga
Chính sách quân sự “thân” Nga của chính quyền Trump đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện vẫn tương đối căng thẳng. Nguyên do là đã có những cáo buộc Nga “nhúng tay” vào cuộc bầu cử 2016 để giúp Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, theo Trump, việc thực hiện chính sách “thân” Nga có nhiều mục tiêu khác nhau:
Thứ nhất, xét từ góc độ quân sự và chiến lược, Nga là cường quốc quân sự duy nhất hiện nay có thể hủy diệt Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia.
Thứ hai, việc thân thiện, hòa hoãn với Nga sẽ làm cho các nước châu Âu – thành viên khối NATO lo ngại. Do vậy, Mỹ không cần gây sức ép cũng buộc họ phải tự chủ động tăng ngân sách cho lĩnh vực quân sự quốc phòng.
Thứ ba, đây là cách để Mỹ tạo sức ép đa phương lên Trung Quốc. Nếu nhìn vào mối quan hệ Nga – Mỹ lúc này sẽ thấy không khác mấy so với cách mà tổng thống Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc trong những năm 1970. Mục đích chính của mối quan hệ này để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô. Kết quả dồn Liên Xô vào con đường tự thỏa hiệp với Mỹ và tự tan rã vào năm 1991.
Mời độc giả đón đọc: Donald Trump và 5 cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới (Phần 5) sẽ đăng tải trên Tony Xin Chào.